Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tại Phú Thọ
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương bắt nguồn từ thời đại các Vua Hùng - vị vua Tổ của người Việt, người có công sáng lập nước Văn Lang và mở ra thời đại Hùng Vương trong lịch sử Việt Nam, với niềm tin cả dân tộc có cùng chung giống nòi “con Rồng cháu Tiên”, cùng chung một nguồn cội; là đạo lý truyền thống trong đời sống tinh thần của cộng đồng dân tộc Việt Nam:“Uống nước nhớ nguồn”, “Con người có tổ, có tông”.
Để ghi nhớ công lao to lớn của các Vua Hùng, nhân dân đã lập đền thờ trên núi Nghĩa Lĩnh (còn gọi núi Hy Cương, núi Hùng, Hùng Sơn) thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ và ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm được đặt lệ làm ngày giỗ Tổ. Từ trung tâm thờ tự đầu tiên này, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương dần lan tỏa, có sức sống lâu bền từ đời này qua đời khác, từ đồng bằng lên miền núi, từ Bắc vào Nam, từ trong nước ra nước ngoài.
Thờ cúng Vua Hùng mang một ý nghĩa thiêng liêng cao cả hướng về cội nguồn, tri ân người có công tạo lập non sông đất nước, xây dựng cuộc sống ngày nay trong mỗi người dân và để cầu mong tổ tiên phù hộ cho cuộc sống của con cháu; biểu tượng quốc gia, kết nối giữa quá khứ và hiện tại, sự kết nối cộng đồng hình thành nên tính đại diện sâu sắc, tinh thần đại đoàn kết dân tộc và gắn kết cộng đồng.
Với những giá trị độc đáo và riêng biệt, ngày 06/12/2012, tại Paris (Pháp), UNESCO đã chính thức công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là di sản đầu tiên của Việt Nam được vinh danh ở loại hình tín ngưỡng; cũng là lần đầu tiên UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Tổ là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Phạm vi công nhận của di sản gồm: Trung tâm thờ cúng Hùng Vương là Đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh, thành phố Việt Trì và các huyện: Phù Ninh, Cẩm Khê, Thanh Sơn, Đoan Hùng, Tam Nông, Yên Lập, Hạ Hòa, Lâm Thao, Thanh Thủy, Thanh Ba, Tân Sơn, thị xã Phú Thọ, thành phố Việt Trì - tỉnh Phú Thọ.
Việc thực hành tín ngưỡng này lan tỏa đến hầu khắp các tỉnh Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ của Việt Nam với 1.417 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật thời Hùng Vương trên cả nước. Người Việt Nam ở nước ngoài cũng lập đền thờ vọng Thánh Tổ Hùng Vương.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương mà tâm điểm là lễ hội đền Hùng đã trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng để du lịch Phú Thọ đưa vào khai thác phục vụ du khách mỗi khi hành hương về đất Tổ cội nguồn.
Hát Xoan Phú Thọ
Hát Xoan là một sản phẩm văn hóa độc đáo của Phú Thọ. Hát Xoan gắn liền với các truyền thuyết về thời đại Hùng Vương. Hát Xoan Phú Thọ còn gọi là hát cửa đình (Khúc môn đình, Ca môn đình) là diễn xướng dân gian thể hiện tín ngưỡng, phong tục và nghi lễ cúng tế Thành hoàng làng và hội làng, hát thờ các Vua Hùng trong dịp đầu Xuân. Các họ Xoan lần lượt khai xoan ở đình, miếu làng. Ngày mồng 1 Tết các họ Xoan hát ở đình: An Thái, Kim Đức, Phù Đức, Thét. Từ ngày mồng 5 Tết, cả 4 phường Xoan đều hát ở các đình, nơi các làng chạ kết “nước nghĩa”. Các phường xoan đi hát từ ngày mồng 5 tháng Giêng đến hết ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch.
Hát Xoan Phú Thọ được trình diễn với 3 nội dung chính:
- Chặng một: Hát nghi lễ (còn gọi là màn hát thờ, hát chào vua hay hát mời vua), hát múa mời Vua về dự hội đình với dân làng.
- Chặng hai: Hát quả cách, là hát những bài chúc Vua, những bài hát kể về lịch tiết, lịch sử và nghề nghiệp của cư dân lúa nước.
- Chặng ba: Hát giao duyên nam nữ giữa đào Xoan và trai làng.
Hát nghi lễ: Hát xoan có những lời chúc tụng và như một cầu khẩn được trình diễn theo đúng nghi thức trước cửa đình, nói lên cảm xúc của con người trước thần linh và sau là ca ngợi thánh thần. Phần trình diễn quả cách là mô tả đời sống sinh hoạt của các tầng lớp người đương thời, ca ngợi cảnh vật thiên nhiên hoặc kể chuyện cổ tích xưa. Mỗi quả cách thường có cấu trúc ba phần: Giao cách (mở đầu), đưa cách (phần giữa), kết cách (phần cuối). Phần hát hội mang tính chất trữ tình giao duyên, thể hiện tình cảm nam nữ. Đây là giai đoạn ứng tác như: Hát ví, trống quân bao gồm các tiết mục múa hát, trò chơi. Hát Xoan không phải là một lề lối ca hát thuần nhất mà thực sự là một hội. Hội Xoan có dân ca giao duyên, đối đáp, xin hoa, đố chữ, hội xoan có cả múa hát, trình diễn sân khấu dân gian với những tiết mục khá độc đáo hấp dẫn như: Cài hoa, mó cá. Ca từ trong hát Xoan sử dụng cái hay của hai dòng văn hóa bác học và dân gian. Mó cá được coi là tiết mục kết thúc quá trình diễn xướng hát Xoan, có tiết tấu nhịp nhàng, khỏe khoắn gần với tiết tấu của bài hát lao động.
Hát Xoan Phú Thọ thuộc loại hình dân ca lễ nghi phong tục, là hát cửa đình, hội tụ đa yếu tố nghệ thuật như nhạc, hát, múa... được lưu truyền thời kỳ Hùng Vương đến nay đã trở thành một di sản văn hóa phi vật thể quý giá của vùng đất Tổ Hùng Vương. Ngày 24 tháng 11 năm 2011, Hát Xoan Phú Thọ đã chính thức được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.
Đến với Phú Thọ, du khách sẽ được thưởng thức những làn điệu Xoan thông qua chương trình du lịch “Hát Xoan làng cổ” độc đáo, ấn tượng tại các phường xoan gốc và cảm nhận những giá trị văn hóa của cha ông truyền lại từ hàng ngàn đời nay.