Present
Chụp ảnh
Nghề làm nón lá ở Gia Thanh có truyền thống gần 100 năm. Mỗi chiếc nón lá đã và đang góp phần bảo tồn và gìn giữ nét văn hóa truyền thống của làng nghề đồng thời tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân trong xã. Cũng giống như nhiều vùng nón trên quê hương Đất Tổ, có lợi thế về vùng nguyên liệu và người dân chăm chỉ, cần cù, vừa đảm đương đồng ruộng, lại tranh thủ làm nón lúc nông nhàn, làng nón Gia Thanh nhờ đó mà vẫn được gìn giữ, truyền nghề và ngày một phát triển. Những chiếc nón lá vừa trắng vừa nhẹ, vừa bay vừa bền trong những năm qua đã theo các nhà buôn đi khắp nơi, giờ còn được mang đến cho cả du khách quốc tế thông qua hoạt động du lịch trải nghiệm làng nghề. Bà con làng nghề hôm nay phấn khởi, tự hào được thể hiện sự tài hoa, khéo léo qua những sản phẩm do chính mình tạo ra, càng phấn khởi hơn khi những chiếc nón không chỉ tạo ra giá trị kinh tế, mà còn góp phần làm giàu thêm giá trị văn hóa đặc trưng của vùng Đất Tổ.
Quy trình làm ra được chiếc nón lá Gia Thanh cũng không khác ở Sai Nga hay các làng nghề làm nón Cẩm Khê khác. Cùng với nón lá Cẩm Khê, nón lá Gia Thanh đã làm nên nét riêng cho nón lá Phú Thọ. Đi dọc đất nước Việt Nam, đâu đâu cũng thấy sự hiện diện của chiếc nón lá nhưng không phải mọi nơi đều có người làm nón. Nón là người bạn của nhà nông che nắng, che mưa trên đồng; là bạn diễn của người nghệ sỹ trong các tiết mục nghệ thuật trên sân khấu; là món quà quê hương gửi tới bạn bè khắp miền gần xa… Nét đẹp văn hóa của nón lá chính là nét đẹp cần được bảo tồn và gìn giữ. Nhắc đến nón lá, chắc chắn chúng ta sẽ nghĩ ngay đến tà áo dài Việt Nam, bởi rằng đây là hai thứ luôn đi liền với nhau, tạo nên nét đẹp truyền thống riêng của người phụ nữ Việt Nam từ ngàn đời nay.