Hướng dẫn viên
Chụp ảnh
Sơn Vi là một ngôi làng nhỏ thuộc huyện Lâm Thao tỉnh Phú Thọ cũng là quê hương của làng nghề ủ ấm. Nghề ủ ấm đã tồn tại ở Sơn Vi hơn 100 năm nay; với bàn tay khéo léo của mình, người Sơn Vi đã tạo ra loại ủ ấm có dáng vẻ độc đáo riêng. Thường làng nghề các nơi dùng nan đan, kết rồi bọc lót để ủ cho nóng. Họ gọi sản phẩm là cái giỏ ấm. Sản phẩm của Sơn Vi cũng có công dụng giống như vậy nhưng tên gọi là cái ủ ấm, theo những người làm nghề này giải thích thì sản phẩm được tạo ra không phải bằng đan kết như giỏ, nó được chấp ghép bằng cả ngàn chiếc nan nhỏ như que đan bằng sơn gắn vào mà thành. Để có được một chiếc ủ ấm, người thợ phải thao tác nhiều công đoạn: Đầu tiên phải chọn nứa bánh tẻ cạo bỏ lớp tinh cứng bên ngoài sau đó cắt đoạn chẻ nhỏ chuốt thành nan (mỗi nan chỉ nhỏ hơn chiếc tăm một chút) những nan này được xử lý kỹ rồi phơi khô chống mọt. Thứ đến là uốn vanh: vanh to cũng như vanh nhỏ đều chọn trong một dóng nứa, có như vậy mới nhẵn, vanh yêu cầu phải tròn. Việc thứ ba là lên khuôn (cố định các vanh lại) rồi theo đó dựng nan; ở tất cả các điểm tiếp xúc giữa các nan với nhau và giữa nan với vanh đều được cố định bằng sơn ta(sơn lấy từ cây sơn ta). Tiếp đến là đo, cắt ván gắn đáy, làm đáy yêu cầu phải đo đếm chính xác sao cho thật khít thì sơn mới đẹp. Sau khi hình thành được phần vỏ thì người thợ tiến hành dùng vải cắt, may thành những túi để nhồi bông làm nắp và bên trong; đây là khâu có ý nghĩa quyết định đến việc giữ nhiệt của ủ ấm. Cuối cũng là khâu đánh bóng và sơn. Khâu này liên quan vẻ đẹp hình thức rất nhiều, thường thì người ta phải nạo các vết sơn ngoài ý muốn dùng giáp đánh bóng rồi sơn bằng thứ sơn quang dầu.
Ủ ấm Sơn Vi là đồ dùng bền, đẹp, giữ nhiệt tốt, làm đậm đà cho những ấm nước chè xanh, lá vối, nhân trần... trong suốt bốn mùa xuân, hạ, thu, đông đồng thời cũng là một mặt hàng lưu niệm cho du khách khi về với vùng đất Tổ.