Hướng dẫn viên
Chụp ảnh
“Nhất kinh kỳ, nhì Bợ Bạt” là câu ca truyền miệng nói về làng Bợ xa xưa nổi tiếng trên bến, dưới thuyền, giao lưu buôn bán nhộn nhịp, trong đó có nghề làm tương. Thời bấy giờ, nước mắm rất hiếm nên tương là gia vị chính trong bữa ăn của người dân Việt, nhất là ở các xã ven sông không thể thiếu tương để chế biến các món ăn từ cá. Sản phẩm tương làng Bợ vì thế được các thuyền buôn cất sang khu vực Hà Tây hoặc chở dọc sông Đà để bán ở nhiều nơi. Qua năm tháng, nghề làm tương dần bị mai một, hình thức sản xuất chủ yếu tự sản tự tiêu, cho đến nay, nghề làm tương truyền thống mới chính thức được phục hồi. Tương làng Bợ dần hồi sinh, góp phần phát triển kinh tế trên quê hương Thạch Đồng, huyện Thanh Thủy.
Tương Thạch Đồng từ lâu đã nổi tiếng thơm ngon. Thứ tương được làm từ gạo nếp qua quá trình chế biến ủ cùng mốc tương, nước đỗ mà thành. Tương Bợ nguyên chất để càng lâu càng đỏ, càng ngọt. Các món ăn chế biến từ cá, đặc biệt là loại cá sống ở sông Đà khi được kho, om, nướng chả,... mà pha chế với tương Bợ thì lên màu đỏ thậm, nấu bốc mùi lên thơm ngậy, ăn rất ngon. Để tạo ra được sản phẩm tương thơm ngon, người làm tương phải cẩn thận, chăm chút trong từng công đoạn chế biến, từ khâu chọn nguyên liệu, ủ muối, ngâm nước đỗ… Trước tiên là công đoạn xôi gạo và ủ cho lên mốc, quá trình lên mốc khoảng 1 tuần sau đó đem ra nong phơi để cho mốc khô. Nước đỗ được phơi ra ngoài trời cho thơm sau đó mới trộn với mốc khô; bí quyết để làm ra một mẻ tương ngon chính là ở khâu lựa chọn nước ngâm. Nước ngâm đỗ phải bằng nước giếng khơi mạch rừng chứ không được dùng nước đun sôi để nguội, như vậy tương mới đậm đà, tinh khiết. Trộn đều mốc khô, nước đỗ và muối thành mốc chè, rồi ủ kĩ từ 1-2 tháng trong chum sành. Mốc chè sau một thời gian phơi khô ngả ra màu vàng ươm, như vậy đã hoàn thành 1 mẻ tương ngon đúng vị.